Hầu hết chúng ta quen thuộc với hình ảnh Đức Quán Thế Âm là một nữ bồ tát xinh đẹp dịu hiền trong trang phục cổ trang Trung Hoa màu trắng, một tay cầm bình nước Cam Lồ, một tay quơ nhánh dương liễu đứng trên một tòa sen đặt ngay trước chánh điện ngôi chùa Phật giáo Bắc Tông. Nhưng trong văn hóa tín ngưỡng Khmer - Thái Lan hình tượng của ngài lại là một người đàn ông, chính xác hơn là một vị hoàng tử. Để hiểu tại sao có sự khác biệt này, chúng ta phải làm một chuyến ngược dòng về lịch sử!
![]() |
Hình ảnh quen thuộc ngày nay | Ảnh: Pixabay |
Nguyên thủy, bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện đầu tiên trong Phật Giáo Ấn Độ là một nam bồ tát. Qua một quá trình phân chia tông phái theo tiến trình lịch sử, hình tượng đức Quán Thế Âm đã dần dần được các soạn giả của kinh điển Phật giáo Bắc Tông cho biến thể thành một bồ tát nữ xinh đẹp được yêu chuộng và phổ biến rộng rãi trong Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam như ngày nay.
Các khảo nghiệm trong lịch sử cho thấy sự biến thể các hình tượng của Quán Thế Âm diễn ra dần dần qua nhiều thế kỷ. Một số hình tượng của Quán Thế Âm diễn tả một người đàn ông mặc áo giáp hở ngực có râu, một số hình tượng khác diễn tả một người đàn ông tướng mạo dịu dàng không khác phụ nữ mấy. Những hình tượng nầy vẫn còn thấy ở một số chùa chiềng hiện tại ở Ấn Độ và một số ngôi chùa Khmer Cổ.
![]() |
Hình tượng nguyên thủy của Bồ tát Quán Thế Âm là một nam bồ tát |
Sau khi Phật giáo được truyền sang Trung Hoa, Quán Thế Âm không những là bồ tát cứu khổ cứu nạn mà còn là bồ tát mang đến sự sống, có nghĩa là ban bố con cái cho những người hiếm muộn. Vì vai trò này mà có nhu cầu để Quan Âm là một người phụ nữ thay vì đàn ông (thích hợp hơn cho việc sinh sản của phụ nữ). Các hình tượng Quán Thế Âm do đó biến đổi dần dần từ một người đàn ông hẳn hoi ra thành những hình tượng mềm mại dịu dàng với phái tính không rõ rệt, cuối cùng thành một phụ nữ và ý niệm này dần dần bắt rễ sâu rộng trong lịch sử Phật Giáo Bắc Tông.
![]() |
Một tượng Quán Thế Âm bằng gỗ mạ vàng thời Bắc Tống (Trung Quốc) |
![]() |
Bồ tát Quán Thế Âm từ hình một nam bồ tát hẳn hoi thành hình tượng mềm mại dịu dàng với phái tính không rõ rệt - Nguồn: Pixabay |
Nhiều sử gia cho rằng một trong những người đã có công nhất trong việc tạo dựng và phổ biến hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm như một "mẹ từ bi" chính là Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên của Trung Quốc ở thế kỷ thứ 7. Bà là người rất tôn sùng đạo Phật. Trong quá trình gầy dựng và củng cố địa vị của một Nữ Hoàng Đế trong một xã hội trọng nam khinh nữ thời kỳ đó, bà luôn luôn cố ý đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Một cách hữu hiệu để đạt mục đích này là phát động và phổ biến ý niệm Bồ tát Quán Thế Âm là một người phụ nữ. Ngoài ra bà cũng có tham vọng xây dựng một nhà nước thần quyền và tự xem mình là một vị bồ tát. Bà đã cho đúc rất nhiều tượng Bồ tát mang hình dáng của chính bà trong mô típ người phụ nữ dịu hiền. Đối với nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên, việc bồ tát Quán Thế Âm là một phụ nữ là cực quan trọng vì xã hội cần có một bồ tát cứu khổ cứu nạn và nếu vị bồ tát này là một phụ nữ thì vai trò của phụ nữ cũng sẽ được đề cao trong xã hội.
Trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, có hình tượng Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay cũng rất gần gũi và tương đồng với các hình tượng Quán Thế Âm và đồng tử của Trung Hoa. Theo các sử gia, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng Việt Nam vào thế kỷ thứ 17 và đã trở nên nổi tiếng và phổ biến vào thế kỷ thứ 18, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.
Bồ tát Quán Thế Âm là nam thần trong văn hóa tín ngưỡng Khmer Cổ:
Ngày nay hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo Theravada, và hình tượng bồ tát Quán Thế Âm đã không còn phổ biến trong thế giới quan nữa, mà ngài đã hoàn toàn nép mình vào lịch sử như các vị thần Hindu. Tuy nhiên trong quá khứ, Phật giáo Đại thừa đã từng phát triển mạnh mẽ ở vùng đất ngày nay là Campuchia và Thái Lan, đặc biệt là vào thời kỳ Đế quốc Khmer.
![]() |
Tượng Quán Thế Âm Khmer bằng đồng, thời Bayon, thế kỷ 12 - 13 |
Trong thời kỳ Đế quốc Khmer, đặc biệt là dưới thời vua Jayavarman VII, Phật giáo Đại thừa đã đạt đến đỉnh cao. Vua Jayavarman VII, một vị vua sùng đạo, đã có lòng tin sâu sắc vào Quán Thế Âm Bồ tát. Để xây dựng đế quốc thần quyền, ông tự xưng mình là hiện thân của Quán Thế Âm và đã cho xây dựng nhiều đền đài để thờ vị Bồ tát này, trong đó có đền Bayon nổi tiếng.
![]() |
Những khuôn mặt khổng lồ được chạm khắc trên đá không phải là thần bốn mặt Brahma như một số người lầm tưởng. Thực ra, đây là Bồ tát Quán Thế Âm trong Phật giáo Đại thừa phỏng theo khuôn mặt vua Jayavarman VII. |
Người Khmer còn tin rằng Quán Thế Âm là một biến thể của thần Vishnu - vì kinh điển Phật giáo Theravada không hề có sự ghi chép nào về vị bồ tát này.
Quán Thế Âm không chỉ từng được thờ cúng trong các đền đài mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa và nghệ thuật Khmer cổ. Hình tượng Quán Thế Âm xuất hiện trong nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ và các công trình kiến trúc. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo Đại thừa và hình tượng Quán Thế Âm trong đời sống tinh thần của người Khmer cổ.
Sau thời kỳ Angkor, Phật giáo Theravada dần dần trở nên phổ biến ở Campuchia và thay thế Phật giáo Đại thừa. Sự chuyển đổi này có thể là do nhiều yếu tố, bao gồm sự suy yếu của đế chế Khmer, sự ảnh hưởng của các nước láng giềng theo Phật giáo Theravada và sự thay đổi trong bối cảnh chính trị, xã hội.
Mặc dù Phật giáo Theravada không có hình tượng Quán Thế Âm, nhưng những dấu tích của Phật giáo Đại thừa và hình tượng Quán Thế Âm vẫn còn tồn tại trong các di tích lịch sử và văn hóa Khmer cổ ỏ Campuchia và Thái Lan. Điều này cho thấy sự đa dạng và phong phú của lịch sử Phật giáo ở Campuchia.
Bồ tát Quán Thế Âm, trong tiếng Khmer gọi là Avalokitesvara Bodhisattva (ព្រះអវលោកិតេស្វារពោធិសត្វ), có nghĩa đại loại là "vị bồ tát nghe được tiếng kêu than của chúng sinh". |