Truyện kể rằng:
Thuở xưa, vào khoảng thế kỷ thứ XII ở xứ Khmer có một cậu bé con nhà phú hào tên là Dharmapal (Thoma Bal), mới lên 7 tuổi mà tư chất thông minh khác thường: thông thuộc kinh Vệ Đà và thấu hiểu đầy đủ Chính pháp (Dharma: Pháp; Pal: nắm giữ). Người cha phú hào đã xây cho cậu một ngôi đền bên bờ sông dưới một gốc cây đa cổ thụ - nơi có rất nhiều loài vật, chim muôn trú ngụ - để làm nơi cho cậu bé Dharmapal tinh tấn học tập và thiền định. Cậu bé Dharmapal nhanh chóng trở thành một vị achar Phật giáo thông thái và đem những điều hiểu biết của mình đi khắp nơi thuyết giảng. Những lời thuyết giảng về Phật giáo của cậu bé Dharmapal không chỉ thu hút loài người và muôn thú ở cõi trần gian mà cả chư thiên từ muôn cõi cũng bay về thỉnh pháp nơi cậu.
Dharmapala (hay Dharmabal) có nghĩa là Hộ pháp |
Danh tiếng cậu bé lừng lẫy khắp cõi, không lâu sau cũng đã đến tai Đại Phạm Thiên (tức thần Maha Brahma - vốn là vị thần tối cao và thông thái nhất trong vũ trụ pháp của đạo Bà La Môn). Bằng tuệ nhãn của mình, ngài đã nhìn thấy và tự thắc mắc rằng: "tại sao lại có một vị Bodhisattva (Bồ tát) chọn tái sinh thành Dharmapal và rao giảng Phật pháp, khiến cho loài người và chư thiên đề cao pháp của Phật và quay lưng với pháp của ta?".
Một gốc của tranh tường kể về sự tích cậu bé Dharmapal |
Và để chống lại sự ảnh hưởng của cậu bé Dharmapal trong việc truyền bá Phật pháp, Đại Phạm Thiên quyết định hạ phàm và giả dạng thành một đạo sĩ Bà La Môn, sau đó tìm đến cậu bé Dharmapal để thách thức với 3 câu đố dụ ngôn như sau: Buổi sáng cái thiêng của con người ở đâu? Buổi trưa cái thiêng của con người ở đâu? Và buổi tối cái thiêng của con người ở đâu? Kèm theo đó, nếu cậu bé trả lời được thì vị đạo sĩ Bà Là Môn sẽ tự chặt đầu mình dâng cho cậu, còn nếu không trả lời được thì vị đạo sĩ Bà Là Môn này sẽ lấy đầu cậu để dâng pháp của mình. Cậu bé Dharmapal xin thời gian 7 ngày để tìm lời giải, nhưng sau 6 ngày rong rủi tìm đáp án vẫn chưa có kết quả thì coi như cậu đã cầm chắc cái chết, nên cậu quyết định chạy trốn để tránh một cái chết thảm. Trên đường trốn chạy, cậu bé Dharmapal nghỉ chân dưới gốc một cây thốt nốt mà trên đó có một đôi chim đại bàng đang trú ngụ. Trong lúc ngồi thiền định vô tình cậu nghe được đôi đại bàng trò chuyện:
- Đại bàng cái hỏi: Sáng nay chúng ta ăn gì?
- Đại bàng đực trả lời rằng sẽ ăn thịt cậu bé Dharmapal, bởi vì cậu sẽ bị Đại Phạm Thiên giết chết do không trả lời được câu đố như đã hẹn.
- Đại bàng cái lại hỏi: Vậy những câu đố dụ ngôn đó gồm những gì?
- Đại bàng đực trả lời rằng: Buổi sáng cái thiêng của con người ở khuôn mặt bởi vậy con người phải lấy nước để rửa mặt nhằm đón hạnh phúc vào buổi sáng, buổi trưa cái thiêng của con người là ở ngực nên trưa nắng nóng con người phải lấy nước lau ngực để ban ngày thấy hạnh phúc, còn buổi tối cái thiêng của con người là ở chân bởi vậy mọi người phải rửa chân trước khi đi ngủ.
Cậu bé Dharmapal nghe được điều này rất vui mừng, lập tức quay trở lại ngồi đền của chính mình để gặp đạo sĩ Bà La Môn nhằm giải câu đố vào ngày cuối cùng của cuộc hẹn, tức là Chủ nhật. Sau khi màn đối đáp kết thúc. Đạo sĩ Bà La Môn đồng ý rằng bản thân ông đã thua cuộc và phải tự chặt đầu mình. Trước khi tự chặt đầu, ông đã biến trở về nguyên dạng của Đại Phạm Thiên sau đó gọi bảy cô con gái của mình từ cung Brahmapura ở cõi trời Brahma Loka xuống để dặn dò: "Cha đã thua trong một cuộc thách đố và phải tự chặt đầu mình như đã cam kết, các con phải lấy khay xuống nhân gian nhận lấy đầu của cha về cất giữ trên đỉnh núi Kailash, bởi vì nếu để đầu cha ở lại mặt đất sẽ làm cháy khô hết hành tinh, còn nếu để đầu cha rơi xuống biển sẽ làm khô cạn đại dương, còn nếu treo đầu cha lơ lửng trên không trung thì nhân gian sẽ không bao giờ có mưa nữa…và muôn loài vì thế sẽ diệt vong. Dặn dò các con xong, ngài tự cầm gươm cắt lìa đầu mình rồi đưa cho nữ thần Tungsa Devi - con gái cả của Đại Phạm Thiên. Nữ thần Tungsa Devi đặt đầu cha lên khay và bay vòng quanh núi Sumeru, vòng quanh vũ trụ theo hướng quay của mặt trời 3 vòng sau đó lấy đầu của cha đi cất giữ ở núi Kailash.
Cậu bé Dharmapal là một nhân vật tiêu biểu trong những câu chuyện về sự chuyển giao năm mới của người Khmer, xuất hiện từ thời vua Jayavarman VII ở thế kỷ XII, và sau này có nhiều dị bản khác nhau ở Lào, Thái Lan, Myanmar.
Cho phép phối lại nội dung nhưng hãy dẫn nguồn và backlink - Khổng Seyla