Rồng trong văn hóa của người Khmer


Rồng là loài linh vật có hình thù gần giống với rắn. Người Khmer gọi là Neaka hay Neak (នាគ - Niệk) được phiên âm từ Naga trong tiếng Pali, nghĩa là thanh khiết. Rồng xuất hiện đầu tiên trong văn hóa Khmer từ hơn 2000 năm trước (trước cả sự ra đời của vương triều Phù Nam), dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Hindu.

Neak (Naga) và Hanuman. Nguồn ảnh: Cambodia Expats Online

Rồng Khmer có xuất thân và hình ảnh khác biệt so với hình tượng rồng của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và phương Tây. Đối với Văn hoá Phương Tây, rồng được mô tả như một con khủng long tiền sử T-rex bay lượn với đôi cánh dơi, lặc lè vác cái bụng phệ, có thể có một hoặc nhiều đầu. Rồng Trung Hoa thì có thân hình con rắn, nanh vuốt đại bàng, bờm sư tử và đuôi cá chép vì họ tin rằng con rồng xuất thân từ con cá chép vượt Vũ Môn. Còn trong Văn hoá Khmer thì tin rằng, con rồng (Neak hay Naga) được tiến hoá từ loài rắn khổng lồ nên con rồng mang thân hình truyền thống của loài rắn. Rồng Khmer có thể có một đầu hoặc nhiều đầu, thân mình cơ bản giống rắn, thường không có chân, và biết bay mà không cần đến đôi cánh. Người Khmer tin rằng, rồng là loài có sức mạnh thiêng liêng, nhiều quyền năng, có thể biến hóa thành người hoặc những hình tượng khác nếu muốn. Các con rồng thường có nhiều tên gọi khác nhau. Việc đặt tên cho các con rồng phần lớn dựa trên số đầu và cơ bản là những chiếc đầu lẻ.

- Rồng một đầu có tên là Shisha: Là loài rồng được hình thành từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và chỉ sống ở cõi trời. Là những gì còn xót lại của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ sau khi đã bị hủy diệt. Đây cũng là biểu tượng của chiến thắng, của hạnh phúc. Trong quan niệm dân gian, tổ tiên Khmer cho rằng rồng Shisha cũng chính là tổ mẫu của dân tộc mình (Neang Neak – Soma).

- Rồng ba đầu: là Neak Kolapa, có nguồn gốc được sinh ra ở khoảng giữa của cõi trời và trần gian. Sống dưới lồng đại dương. Rồng Kolapa tượng trưng cho Tam Bảo của Phật giáo (Phật, Pháp, Tăng), và cũng là biểu tượng của sự ràng buộc trong mối quan hệ chồng, vợ và con cái.

- Rồng năm đầu: là Neak Ananta, tương tự như rồng một đầu, được sinh ra từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và cũng chỉ sống ở cõi tiên. Khi sáng tạo sự sống, Thần Vishnu nằm trên rồng Ananta lênh đênh trong vũ trụ mênh mông để “khai thiên lập địa”. Ở đạo Phật, thì rồng năm đầu tượng trưng cho năm vị Phật trong cõi Ta bà.

- Rồng bảy đầu: là Neak Meachalin. Ra đời từ đáy giếng Heranhes, là loài luôn đem lại sự an vui, hạnh phúc cho con người, che chở con người khỏi những thiên tai. Đặc biệt chính neak Meachalin này là đấng hộ Pháp của Đức Phật, đã cuộn mình thành bệ ngồi và dùng đầu để che chở cho đức Phật khi Ngài tọa thiền. Neak 7 đầu còn tượng trưng cho bảy vị thần cai quản bảy tinh tú trong thái dương hệ, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến cuộc sống của con người. Được biết 7 ngày trong tuần của người Khmer xuất phát từ quan niệm này, đó là: thngay Arthit (ngày mặt trời) - Chủ Nhật, thngay Chhan (ngày Mặt trăng) - Thứ Hai, thngay Angkhear (ngày Sao Hỏa) - Thứ Ba, thngay Phuth (ngày Sao Thủy) - Thứ Tư, thngay Proheas (ngày Sao Mộc) - Thứ Năm, thngay Sok (ngày Sao Kim) - Thứ Sáu và thngay Sao (Sao Thổ) - Thứ Bảy.

- Rồng chín đầu: là Neak Vasuki, là loài rồng của các vị thần. Là biểu tượng của quyền năng, sức mạnh và sự trường tồn của vũ trụ, và cũng là biểu tượng thế giới cực lạc. Có một sự cải biên trong văn hóa Khmer và văn hóa Trung Hoa, đó là câu chuyện về hoàng hậu Maha Maya hạ sinh preahangkomcheasa Siddhartha (Thái tử Tất Đạt Đa) tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử được rồng chín đầu phun nước tắm, điển tích này được người Trung Hoa mô tả bằng đề tài điêu khắc là hình tượng chín con rồng bao quanh Đức Phật sơ sinh, mà chúng ta gọi là “Tượng Cửu Long”.

Nếu văn hóa Trung Hoa xem rồng là vị thần trực tiếp tạo mưa, thì trong văn hóa Khmer lại xem rồng là linh vật cưỡi của thần Mưa (Preah Pearun), vị thần phân phát nguồn nước tưới mát cho mùa màng, mang lại cho con người nguồn sống và hạnh phúc.

Trong tiềm thức của dân tộc, cho đến nay, người ta vẫn tin rằng tộc người Khmer có liên quan mật thiết về huyết thống với rồng. Người Khmer tự nhận mình là con cháu của Neang Neak Soma và một vị Brahman Ấn Độ, họ cùng sinh sống trên vùng đất Koh Thlok cho đến khi thành lập vương triều Phù Nam là vương triều đầu tiên tại Đông Nam Á. Người Khmer tin rằng một lúc nào đó, rồng sẽ xuất hiện và xua tan mọi điều xấu xa ra khỏi đời sống, vì là con cháu của rồng, nên chắc chắn một điều rằng, rồng sẽ không bao giờ rời xa tộc người Khmer.

Hôm trước, mình có đọc một tranh luận trên “Diễn đàn lịch sử” bằng tiếng Việt, trong diễn đàn đó họ tranh cãi về câu hỏi “Naga là rồng hay rắn?”. Tranh luận khá sôi nổi nhưng đáp án không thống nhất, và cuối cùng đáp án vẫn là “Naga là rắn hay rồng?”. Do Văn hoá khác nhau nên các “tác phẩm” rồng cũng khác nhau, cho nên khi nói về Rồng nhất định phải dựa trên hệ quy chiếu của một nền văn hóa nhất định. Người dân xứ Bắc Âu không thể đem truyền thuyết về con Rồng bụng phệ của họ ra mà so đọ với rồng Trung Hoa. Và cũng thế, các bạn ấy cũng không thể đem con rồng Trung Hoa đến mà khai sáng rằng đấy với con Naga của Văn hoá Khmer được. Phàm trên đời sống thì phải biết nguồn biết cội, chứ không thì thành loài mất gốc. Tốt nhất là chúng ta tôn trọng văn hóa của nhau!
Do mình phiên âm tên con rồng từ tiếng Khmer nên đôi khi đọc bị trệch hoặc không giữ đúng âm tiết của ngôn ngữ ban đầu, nếu có sai sót thì các bạn sửa giúp.
Hi vọng rằng bài dịch này sẽ giúp các bạn có thêm một chút thông tin.

Khổng Seyla dịch và tổng hợp từ các tài liệu tiếng Khmer
Ảnh: Cambodia Expats Online

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên hệ đặt quảng cáo: 0976.559.389

Liên hệ đặt QC: 0976.559.389