Sơ lược về Vương quốc Phù Nam (Anachak Nokor Phnom)

Phù Nam là tên phiên âm tiếng Hán của từ "Phnom" có nghĩa là núi. Đây là một Quốc gia đầu tiên có nền chính trị - kinh tế hùng mạnh ở Đông Nam Á tồn tại trong khoảng thế kỷ I đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.


Vương triều Phù Nam để lại cho chúng ta một nền Văn minh rực rỡ, mà theo như các nhà khảo cổ học thì văn hoá, tin ngưỡng truyền thống và ngôn ngữ của người Khmer ngày nay hầu hết đều được hình thành từ giai đoạn này.
Theo truyền thuyết thì ngày xưa có một vị hoàng tử xứ Intabatborei tên là Preah Thong (ព្រះថោង - một số truyền thuyết gọi người là Kaundinya), do mâu thuẫn trong hoàng tộc, bị vua cha xua đuổi, người ra đi với đoàn tùy tùng và những thần dân trung thành xuôi về hướng đông. Sau một cuộc hành trình đầy gian truân, thuyền của ngài đến được vùng đất Kok Thlok này. Bỗng nhiên, từ đâu đó trên biển cả xuất hiện một mỹ nhân dẫn theo một đoàn hải quân đến chặn thuyền của ngài lại. Mỹ nữ này là công nương Soma (Khmer gọi là Neang Neak - công chúa rồng), nàng là con gái của vua Naga thuộc dòng giống rồng thiêng. Trận thư hùng chưa kịp diễn ra thì vua Naga đã kịp thời ngăn chặn lại, sau đó 2 người nên duyên vợ chồng. Sau khi những thần dân của người ổn định trên vùng đất mới, theo tài liệu vẫn còn tranh cãi của ông Ros Chontranbut thì Preah Thong chính thức lên ngôi vua xứ Kok Thlok vào năm 277 Phật lịch (khoảng 2 thế kỷ trước tây lịch), và đổi tên nước thành Kampujathebtey, đặt tên cho dân tộc mình là Khmer.
Kinh đô trù phú của vương quốc được xây dựng tại thành Vyadhapura (nay thuộc huyện Ba Phnom - បាភ្នំ, tỉnh Prey Veng), sau đó dời đến Angkor Borei - ស្រុកអង្គរបុរី (nay là tỉnh Takeo) và cuối cùng là Kottinagar (hiện nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang, VN). Xã hội Phù Nam cũng có kết cấu tổ chức như xã hội hiện đại ngày nay. Có bộ máy nắm quyền quản lý xã hội chặt chẽ với người đứng đầu là vua, kế đến là các hoàng thân, các lãnh chúa và giới tăng lữ.
Vào năm 245 sau Công nguyên sứ giả nhà Hán là Kang Tai đã mô tả là kinh đô Vyadhapura có thành vách bằng gạch kiên cố, có hệ thống kinh đào để thuyền bè có thể đi xuyên qua lãnh thổ. Ông cũng nói rằng vương quốc Phù Nam có thư viện với nhiều sách vở chữ Phạn, có luật lệ, hệ thống thu thuế, kinh tế nông nghiệp, luyện kim, hàng hải và thương mại đều rất phát triển. Cũng giống xã hội hiện đại, trong thời đại này cũng có đội ngũ những người làm khoa học, người dạy học mà chủ yếu là các thầy tu; cũng có người đi lính tham gia vào quân đội; cũng có người hoạt động nghệ thuật - văn nghệ phục vụ cho giới quan lại cung đình.
Kinh đô cuối cùng của vương quốc là Kottinagar (nay thuộc Óc-Eo), đây là một thương cảng trù phú có nhiều thương thuyền ghé lại, tấp nập từ đông sang tây, như Ðế quốc La Mã, Ấn Ðộ và Trung Hoa. Các thương gia tỏ ra rất thán phục nền văn minh và sự hùng cường của Phù Nam. Họ kể rằng giới quí tộc Phù Nam ăn mặc cầu kỳ diêm dúa, sống trong những cung điện nguy nga bật nhất, đất nước có rất nhiều châu báo vàng bạc quí giá.
Vương quốc sử dụng tiếng Khmer cổ và chữ Phạn trong công việc hành chính và thương mại. Trong vòng 300 năm sau ngày lập quốc, Phù Nam đã có một hạm đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh. Các vị vua ra sức mở rộng lãnh thổ, làm hùng mạnh quốc gia, chinh phục được hầu hết các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á lục địa và kiểm soát đường hàng hải của các thương thuyền đến từ Trung Hoa và Ấn Ðộ. Chính hào quang cường thịnh và cách tổ chức hành chính của Phù Nam đã thành gương mẫu cho những nền văn minh sau này tại Đông Nam Á, đồng thời là chủ thể truyền bá Văn hoá Hindu đến những bộ tộc phiên thuộc dưới quyền kiểm soát của mình.
Phù Nam tồn tại khoảng 6 thế kỷ, trãi qua nhiều đời vua theo truyền thống cha truyền con nối. Những thần dân của Phù Nam xưa thuộc giống người Khmer và các dân tộc thuộc nhóm Môn-Khmer (các dân tộc miền núi ở CPC và VN). Họ theo đạo Hindu và Phật giáo. Vương quốc Phù Nam đạt đến sự cực thịnh dưới triều vua Jayavarman I (478-514). Nhưng đến năm 514, khi vua Jayavarman I băng hà, đất nước nhanh chóng suy yếu, một người con của vua Jayavarman I đã giết thái tử Gunavarman và lên ngôi vua lấy hiệu là Rudravaman. Đây là vị vua cuối cùng của vương triều Phù Nam. Chính sự cướp ngôi này dẫn đến việc vua Chân Lạp là Bhavavarman I -vốn một hoàng thân Phù Nam, là cháu của vua Jayavarman - đánh chiếm và xóa hẳn tên Phù Nam trên bản đồ, lập nên một triệu đại mới của dân tộc Khmer mà lịch sử Trung Hoa gọi là Zhenla (Chân Lạp).
Từ đó trở về sau, dân tộc Khmer cai tri xứ này theo niên hiệu các vị vua Chân Lạp. Ký ức về sự vĩ đại của Vương quốc Phù Nam đã trở thành cội nguồn cho niềm tự hào của các nhà cai trị Chân Lạp, họ cố gắng tiếp nối di sản lớn lao này để rồi phát triển đất nước thành Đế quốc Khmer tồn tại từ 802–1431 mà mình sẽ đề cập trong status khác.
Mặc dù các học giả Việt Nam cho rằng Phù nam và Chân Lạp là hai chính thể khác nhau, thế nhưng các học giả phương tây, đặc biệt là Pháp cương quyết cho rằng Phù Nam trong Văn hiến thông khảo của Mã Đoan cũng là Chân Lạp trong các tài liệu khác, và họ kết luận đó là hai tên gọi ở hai thời kì kể tiếp nhau của một dân tộc. Và từ lâu, người Khmer cũng luôn nhìn nhận Vương triều Phù Nam là tổ tiên của dân tộc mình, và xem đó là một phần Văn hiến đất nước Campuchia.
Lưu ý:
1. Về truyền thuyết lập quốc có nhiều phiên bản khác nhau nhưng cốt cùng một sự kiện, ở đây tôi chọn truyền thuyết mà bản thân tôi thấy phù hợp nhất.
2. Theo sử gia tuyền thuyết truyền miệng thì Preah Thong lên ngôi vào năm 277 Phật lịch (tức trước công nguyên khoảng 2 thế kỷ), còn theo một số nhà sử học Pháp thì Phù Nam lập quốc vào khoảng năm 68 sau tây lịch. Đây vẫn là điều mà các sử gia chưa thống nhất với nhau.

Viết bởi: Khổng Seyla
Nội dung này được viết vào ngày 17.5.2015 đăng trên blog cũ

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên hệ đặt quảng cáo: 0976.559.389

Liên hệ đặt QC: 0976.559.389