Wat Phou - quần thể đền thờ Khmer Cổ ở Nam Lào

Wat Phou là một hệ thống đền cổ phức hợp của người Khmer đã bị phá hủy khá nhiều nằm dưới chân núi Phou Kao, tỉnh Champasak, miền Nam Lào, cách sông Mekong 6 km, cách thủ đô Vientiane 670 km về phía nam. Được bao bọc bởi Siphandone gồm hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên sông Mekong cùng với 9 ngọn núi bao quanh phố cổ. Wat phou được xem là một bản thu nhỏ của Angkor Wat  (Campuchia) nhưng vẫn có những nét độc đáo và bí ẩn riêng của mình, cuốn hút cả những du khách đã từng ghé thăm Angkor Wat. Đây là một công trình văn hoá tiêu biểu nhất của Champasak, đã được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản thế giới năm 2001.

(ảnh Getintravel)

Quần thể này có một ngôi đền từ thế kỷ 5 và các cấu trúc còn sót lại được cho là có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ Đức chúa Shiva. Ngôi đền có kết cấu độc đáo dẫn đến một điện thờ, nơi có một Linga đắm mình trong nước từ một dòng suối trên núi chảy xuống. Thế kỷ 13, vị vua của đế quốc Khmer cải đạo sang Phật giáo Theravada, từ đó Wat Phou trở thành đền thờ Phật giáo và tồn tại cho đến bây giờ. Ngày nay, Wat Phou là một trong những nơi quan trọng lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Khmer trên đất nước Lào.

Truyền thuyết và lịch sử Lào cho rằng, ban đầu nơi đây là đền thờ Thần Badhecvara, được xây dựng từ thế kỷ thứ V và thứ VII. Nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp. Các nhà khảo cổ học luận giải rằng, thời kỳ đó đã từng tồn tại một đại lộ nối liền Wat Phou với Angkor Wat, cách đó khoảng 100 km.

(ảnh: Wat Phou Champasak)

Từ thế kỷ XI, ngọn núi với dòng suối thiêng phía sau ngôi chùa là trung tâm thờ phụng và thiền định của giới tăng lữ Khmer. Các nghi lễ tế thần hàng năm được tổ chức ở những đền thờ dưới chân núi.

Ngày nay lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch.

Người dân khắp đất nước Lào và vùng đông bắc Thái Lan nô nức hành hương về đây. Hồ Knong Veang (hồ nước của kinh thành) ở trước ngôi đền cổ là trung tâm của lễ hội. Tại đây có các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa. Các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng thuyết linh vật đồng thời được tổ chức.

Ngay cổng vào đền Wat Phou có một bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng, phù điêu, họa tiết trang trí chạm khắc trên đá vô cùng sắc sảo. Những cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XI. Cổng chính và mặt trước của ngôi đền hiện nay đã đổ nát nhưng vẫn còn rõ nét dấu ấn những bức phù điêu chạm khắc hình ảnh các vị thần Hindu. Qua cổng, có con đường rộng đến chân núi thẳng tắp những hàng trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva. Mặt đường được lót những tảng đá phẳng. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía Đông, đối xứng với nhau, trên một gò cao. Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá.

Khu đền thượng nằm ở lưng chừng núi. Đường lên đền thượng cũng là những bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng. Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, hoa mỹ. Phía sau ngôi đền là vách núi, trên đó những người thợ tài hoa Khmer xưa đã tạc những bức tượng lớn nhỏ rất sống động.

Nhìn vào kiến trúc ngôi đền, hình dung công việc vận chuyển những khối đá lớn nặng hàng tấn, gọt đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn, đồ sộ nhưng hài hòa, vững chãi trên triền núi cao... mới thấy người Khmer xưa thật tài hoa, họ đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, của cải mới tạo dựng được một Wat Phou kỳ vĩ.

Không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian với khí hậu khắc nghiệt, nhưng Wat Phou hơn nghìn năm lịch sử vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo; bởi yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng cuộc sống bình yên của con người.

Khổng Seyla tổng hợp và lược dịch từ các website Wat Phou Champasak, UNESCO và
Getintravel

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên hệ đặt quảng cáo: 0976.559.389

Liên hệ đặt QC: 0976.559.389